Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), đã và đang tạo ra sức hút mới cho nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Sự gia tăng “chóng mặt” của các doanh nghiệp trong và ngoài nước là lợi thế phát triển cho các Bếp ăn công nghiệp.
SUẤT ĂN CÔNG NGHIỆP – MỎ VÀNG CỦA CÁC BẾP CÔNG NGHIỆP
Năm 2019, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thành lập mới; số người có việc làm tăng; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm; thu nhập của người lao động tăng lên (đây là thông tin được Tổng cục Thống kê chia sẻ tại buổi công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020, tổ chức ngày 28/4). Còn trong 7 tháng đầu năm 2020, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 936,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,6 nghìn lao động, có giảm so với cùng kỳ năm ngoái do sự tác động tiêu cực từ dịch Covid 19. Tuy nhiên đây vẫn là một con số khá ấn tượng về sự phát triển giữa bối cảnh nền kinh tế của thế giới đang trên đà tuột dốc. Tại các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước quy mô các công ty, xí nghiệp, nhà máy ngày càng lớn, đòi hỏi lực lượng lao động ngày một đông hơn. Chính vì lẽ đó, những năm trở lại đây, nhu cầu cung cấp suất ăn công nghiệp cũng tăng nhanh, và thị trường này nhanh chóng trờ thành “mỏ vàng” rất giàu tiềm năng. Song, bên cạnh việc mở ra những cơ hội lớn, vẫn còn đó những bất cập trong việc quản lý và vận hành của các bếp ăn, đặc biệt với những bếp ăn vẫn đang duy trì mô hình quản lý bằng các phương pháp truyền thống.
Nguồn: psa.vn
HẠN CHẾ CỦA PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ THỦ CÔNG
Bài toán của các nhà quản trị là làm sao kiểm soát những công việc và dự án đang diễn ra, tối ưu nguồn lực có hạn và nâng cao năng suất doanh nghiệp. Thế nhưng, theo một số khảo sát đã chỉ ra rằng, trên 50% nhân viên văn phòng đã lãng phí trung bình 30 phút chỉ để tìm kiếm tài liệu, và các bộ phận trong công ty lãng phí hơn một giờ đồng hồ làm các công việc mà đồng nghiệp khác đã và đang thực hiện. Do không thống nhất trong quy trình quản lý dẫn đến phân chia công việc trong doanh nghiệp bị chồng chéo và không hiệu quả. Thêm một bất cập về việc lưu trữ các công văn, giấy phép, tài liệu, hóa đơn, chứng từ… bằng giấy, với số lượng lớn khiến doanh nghiệp mỗi năm phải chi một khoản phí lớn cho văn phòng phẩm cũng như nơi lưu trữ hồ sơ. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc quản lý dữ liệu theo phương pháp này được đánh giá là không hiệu quả, bởi nó gây ra nhiều khó khăn và rủi ro. Giấy tờ cồng kềnh, dễ hư hỏng, chiếm diện tích, tốn vật tư, nhưng khi cần tra cứu lại dễ sai sót, khiến nhân viên cảm thấy áp lực với việc lưu trữ, bảo quản, tra cứu và cả bàn giao.
Riêng đối với thị trường thực phẩm, một trong những thương trường vô cùng biến động, đặc biệt là về giá cả. Nếu doanh nghiệp Bếp ăn công nghiệp không cập nhật liên tục và không có sự kết nối linh động với thị trường để có thể điều chỉnh và so sánh giá, nguy cơ thất thoát là rất cao. Đơn cử như việc tăng giá đột ngột của một số nguyên vật liệu do ảnh hưởng thời tiết hoặc mùa vụ, các bếp ăn công nghiệp thường không lường trước được những kế hoạch dự phòng, dẫn đến chi phí sản xuất tăng vọt, nhưng chưa kịp điều chỉnh giá bán. Bên cạnh đó, việc quản lý các file dữ liệu để so sánh đối chiếu của hàng trăm ngành hàng, và nhà cung cấp khác nhau cũng là một thách thức khiến các nhà quản lý vô cùng bất an, nếu không trực tiếp quản lý.
THAY ĐỔI ĐỂ PHÁT TRIỂN
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, việc ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra thêm nhiều cơ hội và giá trị mới, giúp doanh nghiệp đạt doanh số tốt hơn và gia tăng tốc độ tăng trưởng, đồng thời quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình; đây được xem là một tác động cần thiết và nếu không hội nhập, doanh nghiệp rất dễ bị đào thải. Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tái cấu trúc tư duy về việc phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người để nhằm tạo ra nhiều giá trị mới. Có thể đối với các doanh nghiệp nhỏ, việc quản lý thủ công có thể vẫn đang rất hiệu quả, nhưng khi doanh nghiệp có định hướng mở rộng quy mô đầu tư hơn, mở rộng thị trường hơn, thì lúc đó số liệu quản lý bằng thủ công sẽ không còn phù hợp. Thử tưởng tượng, nếu một ngày danh sách khách hàng và số lượng cơ sở của bạn tăng gấp vài lần, bạn sẽ vận hành như thế nào? Nếu không thay đổi trong cách quản lý để bắt kịp với xu hướng của thị trường, doanh nghiệp của bạn sẽ bị tụt hậu và không đủ sức để cạnh tranh và tồn tại.
Thực tế ở một doanh nghiệp suất ăn công nghiệp hợp tác với hàng trăm hàng ngàn nhà cung cấp và mỗi nhà cung cấp có những cách thức làm việc khác nhau. Các quy trình thương lượng giá, đánh giá chất lượng nhà cung cấp đa phần được xử lý thủ công qua mail hoặc điện thoại làm mất nhiều thời gian và khó khăn trong việc so sánh giá, bởi không có cái nhìn bao quát và không đo lường được định mức của thị trường. Việc xây dựng được một quy trình làm việc chuẩn hóa và có tính hệ thống với số lượng nhà cung cấp khổng lồ cũng không phải là điều dễ dàng. Do đó, chuyển đổi số là một phương thức hữu hiệu và cần thiết, hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng trong cùng một khoảng thời gian, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ các hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ cải thiện được hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và gia tăng tính cạnh tranh của tổ chức trên thị trường.
Để phát triển chúng ta cần thay đổi, thay đổi trong cả nhận thức và hành động. Nhà quản lý cần có tầm nhìn bao quát và có một chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp để làm sao tạo ra một quy trình được chuẩn hóa, có tính hệ thống và liên kết giữa các mạng lưới cơ sở. Việc ứng dụng công nghệ nói chung, hay cụ thể là sử dụng một phần mềm là một phương pháp lý tưởng giúp tăng hiệu quả quản lý và vận hành các bếp ăn công nghiệp.